chưa đặt tênHƯỚNG DẪNMÃ NGUỒNNUKEVIET

TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ

ó nhiều nhận định, đánh giá khác nhau về vai trò của truyền thông đối với nền chính trị thế giới nói chung và quan hệ quốc tế (QHQT) nói riêng.

Vai trò quan trọng

Thứ nhất, các phương tiện truyền thông toàn cầu đã tạo ra một “ngôi làng toàn cầu”. Trong “ngôi làng” này, mọi người đều có thể chứng kiến những thay đổi trong cách công dân của mỗi quốc gia nhìn nhận bản thân họ, nhìn nhận những người khác và nhìn nhận những gì diễn ra xung quanh họ. Các phương tiện truyền thông vừa cung cấp thông tin, đồng thời cũng định hình cách nhận thức thế giới của từng người. Do đó, các phương tiện truyền thông đại chúng có tầm ảnh hưởng lớn đối với hình ảnh của thế giới trong tư duy mỗi người.

Thứ hai, tầm quan trọng của truyền thông xét về mặt chính trị, quyền lực có thể được xác định lại hay xác định mới trong phương thức các quốc gia phân bổ lại quyền lực của mình trong mô hình quyền lực quốc gia và toàn cầu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, vai trò và ảnh hưởng của truyền thông trong xã hội quốc gia, hay quốc tế đã và đang thay đổi theo một chiều hướng khác. Về mặt quan hệ, đó vẫn là sự tác động qua lại giữa ba nhân tố: quyền lực chính trị, truyền thông và công luận, nhưng trong những điều kiện hoàn toàn khác.
Thế giới ngày nay bất ổn hơn về mọi mặt. Với truyền thông, công chúng dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo vào mọi thứ phiêu lưu. Điều này giải thích một phần sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố, không chỉ nảy sinh từ đói nghèo, bất bình đẳng, mà cả từ đụng độ văn hóa, đối kháng về lòng tin, vượt khỏi những khái niệm truyền thống đặc trưng quốc gia dân tộc và quan hệ quốc tế truyền thống: chủ quyền, lãnh thổ, quốc gia, chủ thể chủ yếu của quan hệ quốc tế, thậm chí cả chiến tranh và hòa bình.

Sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra đầu năm 2011 là bằng chứng không thể chối cãi về vai trò của truyền thông – tiêu cực hay tích cực tùy thuộc góc nhìn; nói đúng hơn là vai trò của mạng xã hội đã góp phần tạo ra một phong trào quần chúng xuống đường biểu tình, đấu tranh lật đổ chính phủ ở các nước như Tuy-ni-di, Li-bi, Ai Cập.

“Mượn gió bẻ măng”, các nước phương Tây nhân danh dân chủ đã can thiệp đẩy phong trào này đi theo hướng khác. Hậu quả là dân chủ dù theo kiểu phương Tây – không được thiết lập, các nước này, ở mức độ khác nhau, rơi vào bất ổn chính trị, tình hình nhân quyền ở nước này, nước kia, không những không được cải thiện, mà còn xấu hơn dưới chế độ cũ được gọi là độc tài theo tiêu chí phương Tây.

Thứ ba, rộng lớn hơn, các phương tiện truyền thông toàn cầu hiện nay có khả năng kết nối công chúng truyền thông, vì những mục tiêu to lớn hơn: tham gia gián tiếp vào các cuộc chiến tranh, tiến trình hoạt động ngoại giao và thiết lập hòa bình.

Thứ tư, từ công cụ của quyền lực chính trị trong nhiều trăm năm, truyền thông đang tìm cách “tự trị”, trở thành một tác nhân thực thụ trong đời sống chính trị – xã hội và đóng vai trò phản biện cả trong chính trị quốc gia và chính trị quốc tế. Nói cách khác, truyền thông đang muốn phát huy hơn nữa vai trò đệ tứ quyền của nó, có góc nhìn riêng về các vấn đề toàn cầu trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

Đối đầu về ý thức hệ qua các phương tiện truyền thông

Tuyên truyền trong Chiến tranh lạnh diễn ra trong một bối cảnh hoàn toàn khác trước đây. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc đã dẫn đến sự hình thành một hệ thống quốc tế khá hoàn chỉnh với vai trò quyết định của các quốc gia có chủ quyền, đặc biệt của hai siêu cường: Mỹ, Liên Xô và với sự ra đời của các cơ chế đa phương toàn cầu có tham vọng phối hợp hành động giữa các chủ thể nhằm ngăn ngừa chiến tranh và duy trì hòa bình.

Tuyên truyền thông qua truyền thông trong Chiến tranh lạnh đã được ưu tiên đến mức tối đa với ba lý do chính.

Thứ nhất, truyền thông là các kênh không chỉ truyền tải thông tin, mà còn nhân rộng các ý tưởng, hình mẫu thông qua nhiều mô hình và hình thức khác nhau. Nói cách khác, tuyên truyền là một véc-tơ mang ý thức hệ, thuyết phục bằng ý tưởng, phi bạo lực, song cũng hiệu quả như thuyết phục bằng vũ lực.

Thứ hai, thông tin, mang tính phi vật chất và dễ thẩm thấu, hòa lẫn, không biết đến biên giới và giới hạn, có thể len lỏi khắp nơi cả về phạm vi địa lý lẫn xã hội, giữa các tầng lớp công chúng, từ nước này qua nước kia mà khó có khả năng ngăn chặn.

Thứ ba, thông qua các chương trình truyền thông, nhất là các chương trình trên đài phát thanh có tính chất giải trí, các quốc gia dễ che dậy mục đích tuyên truyền, gây ảnh hưởng đến công chúng nước ngoài.

Trong cả hai phe, các phương tiện truyền thông từ các kênh truyền tin đến các diễn đàn đều được sử dụng, trở thành một vũ khí chiến tranh rất lợi hại, phục vụ mục đích chính trị của các nước; nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học, đạo diễn phim ảnh… đều được huy động cho cuộc chiến tư tưởng này. Mọi hoạt động từ thể thao đến múa ba lê, phim ảnh, giải trí, các loại ấn phẩm từ báo chí đến tạp chí, áp phích băng rôn, thậm chí cả các chuyến bay vào vũ trụ đều được định hướng để truyền tải một ý nghĩa chính trị ca ngợi bên mình và bôi nhọ bên kia. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Chính phủ Mỹ và Liên Xô trực tiếp hay gián tiếp cung cấp tài chính, nhân lực, chỉ đạo, định hướng cho cuộc chiến tâm lý và ý thức hệ này.

Điều rõ ràng là cả Mỹ và Liên Xô đều thành công về tuyên truyền trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bước vào Chiến tranh lạnh, cả hai siêu cường đều tin vào mô hình xã hội và hệ tư tưởng mà mình theo đuổi và quyết tâm giành thắng lợi. Nhưng, triết lý tuyên truyền được lựa chọn không giống nhau. Mỹ xây dựng tuyên truyền thành khoa học, Liên Xô sử dụng tuyên truyền như một nghệ thuật.

Một số vấn đề rút ra

Đài phát thanh được chọn là phương tiện ưu tiên để tiếp cận công chúng ở cả hai phe trong Chiến tranh lạnh vì những lý do sau:

Sóng điện từ rất dễ tiếp cận vì nó được phủ rộng khắp với tốc độ tương đương tốc độ ánh sáng, phát thanh không có giới hạn về khoảng cách, mang tính xã hội hóa rất cao; khả năng tiếp nhận mọi nơi mọi lúc, tiện lợi cho người nghe, thuận lợi cho mọi đối tượng;

Ai cũng có thể mua được một chiếc đài phát thanh vì nó rẻ tiền trong khi đó một máy vô tuyến truyền hình ở thời kỳ đầu Chiến tranh lạnh là một đồ dùng xa xỉ;

Thể hiện sống động, riêng tư, thân mật: thông tin được truyền tới thính giả qua giọng đọc của phát thanh viên. Là kênh truyền thông sinh động, hấp dẫn mọi đối tượng, lứa tuổi, vùng miền, tạo nên bức tranh sống động về cuộc sống, diện mạo và chiều sâu trong ký ức con người, kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng người nghe. Mỗi thính giả có một cách tiếp nhận thông tin riêng và cảm xúc riêng.

Người dân bình thường khó có thể phân biệt được đâu là thông tin thuần túy, đâu là tuyên truyền. Tuyên truyền qua đài phát thanh là hình thức tuyên truyền nhằm tác động đến thái độ của những người nghe đài qua làn sóng phát thanh. Trong những thập niên Chiến tranh lạnh, đài phát thanh tiếp tục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến tuyên truyền giữa hai phe.

Ngay từ đầu Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã nhanh chóng phát triển các phương tiện truyền thông thịnh hành thời bấy giờ: Đài phát thanh Moscow, Đài phát thanh Hòa bình và Tiến bộ, Hãng thông tấn TASS, Hãng thông tấn Novosti…

Về phía Mỹ, năm 1946 đã lập ra trạm phát thanh tại Tây Berlin (Radio in the American Sector – RIAS), năm 1947 Đài phát thanh Hoa Kỳ, (Voice of America – VOA) bắt đầu phát sóng vào Liên Xô như một phần của chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm chống lại chiến dịch tuyên truyền của Liên Xô và các nước XHCN khác. Tiếp theo RIAS, Đài châu Âu Tự do (Radio Free Europe), Đài Tự do (Radio Liberty) đã ra đời. Các chương trình phát sóng của các đài này tập trung vào những ý tưởng dân chủ và tầm quan trọng của việc phá vỡ những rào cản truyền thông quốc tế được các nước XHCN dựng lên.
Từ những phân tích trên có thể rút ra một số kết luận về tuyên truyền trong Chiến tranh lạnh như sau:

Một là, tuyên truyền đã được sử dụng triệt để và đều khắp ở tất cả các quốc gia trên thế giới, ít nhiều đều bị Mỹ và Liên Xô chi phối, chỉ đạo nhằm tăng cường và củng cố sự ủng hộ của công chúng đối với chế độ chính trị trong nước và bôi nhọ chế độ chính trị của các nước đối phương.

Hai là, thông điệp tuyên truyền thời gian đầu mang nội dung tư tưởng, ý thức hệ và nhằm mục đích chính trị rất rõ ràng, ít được che đậy, thiếu đi sự khôn khéo và mềm dẻo. Trong những giai đoạn giảm căng thẳng, chạy đua hòa bình, hòa hoãn, tuyên truyền được thực hiện uyển chuyển hơn, xây dựng các hình tượng điển hình, được lồng ghép vào các sản phẩm văn hóa như sách báo, nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình…

Ba là, tuyên truyền đi đôi với các hoạt động gián điệp can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, lôi kéo, mua chuộc các nhân vật bất đồng chính kiến, tìm cách lật đổ các chính phủ thân bên này hay bên kia.

Bốn là, càng về cuối Chiến tranh lạnh, do công nghệ thông tin phát triển, và trình độ nhận thức, học vấn của công chúng ngày càng được nâng lên, tuyên truyền ngày càng kém hiệu quả, nhất là tuyên truyền của Liên Xô vì bước vào thập niên 1980 mô hình kinh tế – xã hội của Liên Xô bắt bộc lộ nhiều khiếm khuyết mang tính cấu trúc, rơi vào khủng hoảng, thực tế được phơi bày không giống như tuyên truyền.

Năm là, truyền thông và quan hệ quốc tế luôn song hành trong tiến trình phát triển của thế giới; truyền thông là công cụ của quan hệ quốc tế, ngược lại, quan hệ quốc tế là thông điệp của truyền thông dù đó là thông tin, giải trí hay tuyên truyền.

***

Nghiên cứu quan hệ giữa truyền thông và quan hệ quốc tế phải mang tính chất liên ngành. Nghiên cứu truyền thông không thể thực hiện được nếu không dựa vào lý thuyết về quan hệ quốc tế và những kiến thức cơ bản thuộc chính trị học, nhất là khi nhìn nhận các phương tiện truyền thông là công cụ truyền tải ý thức hệ nổi trội của một giai đoạn lịch sử và của giai cấp cầm quyền.

Truyền thông vừa là công cụ thông tin về quan hệ quốc tế và có vai trò thiết lập các chương trình nghị sự trong đời sống chính trị quốc gia và quốc tế. Trong thế kỷ XXI, Internet đang làm thay đổi quan niệm về lãnh thổ, chủ quyền quốc gia trong khi truyền thông xuyên quốc gia đang mở ra cho hàng triệu cộng đồng mạng những cơ hội vừa tiêu cực vừa tích cực tác động đa tầng, đa nội dung, đa đối tượng.

Hơn nữa, an ninh quốc gia cũng đang thay đổi, các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa đến từ các quốc gia khác, từ các nhóm người, từ các cá nhân hoặc là từ sự kết hợp của các nhân tố trên. Các tổ chức tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các ngành công nghiệp và các hiệp hội có thể cạnh tranh với chính quốc gia mà họ mang quốc tịch để thu hút sự chú ý của truyền thông từ các quốc gia lớn thông qua cuộc đấu tranh xuyên quốc gia về chương trình nghị sự chính trị thế giới./.

PGS,TS Dương Văn Quảng – ThS Bùi Nguyễn Quang Dũng

Xem nhiều hơn

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THIẾT KẾ WEBSITE DÀNH CHO NGƯỜI KHÔNG CHUYÊN
Close